Mụn là vấn đề da phổ biến thường gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính, đặc biệt trong giai đoạn dậy thì, khi làn da phải chịu tác động từ nhiều nguyên nhân gây mụn như thay đổi nội tiết tố, yếu tố môi trường gây bít tắc lỗ chân lông, hay làn da khi bắt đầu được tiếp xúc với các loại mỹ phẩm tạo điều kiện thuận lợi hình thành nên mụn. Hiện có rất nhiều cách để điều trị mụn dứt điểm từ việc can thiệp thẩm mỹ chuyên sâu, điều trị bằng đường uống hoặc bôi ngoài da, tuy nhiên cần phải xác định chính xác vấn đề da đang gặp phải để có hướng điều trị thích hợp và hiệu quả. Vì vậy ở bài viết dưới đây, Bioverse cung cấp kiến thức toàn diện về các loại mụn và cách chăm sóc da tương ứng nhằm giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn tình trạng da đang gặp phải.
1. Mụn là gì?

Mụn là một trong các bệnh lý da liễu rất phổ biến, không gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh nhưng vẫn ảnh hưởng rất lớn về mặt thẩm mỹ, làm mất sự tự tin và bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày. Mụn tồn tại trên da ở nhiều kích thước, hình dáng khác nhau, tùy vào mức độ của tình trạng mụn mà có thể nổi cộm trên da, sưng tấy hay ẩn sâu dưới lỗ chân lông. Có rất nhiều nguyên nhân hình thành mụn trên da và nhìn chung thuộc các nhóm nguyên nhân chính như:
-
Thay đổi nội tiết từ bên trong cơ thể.
-
Thói quen sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi không điều độ.
-
Tác động từ môi trường bên ngoài nhưng da không được chăm sóc đúng cách gây bít tắc lỗ chân lông.
Ứng với những nguyên nhân khác nhau có thể gây ra các loại mụn hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên nhìn chung, các loại mụn thường được phân xếp vào 2 nhóm: Mụn không viêm và mụn viêm.
-
Mụn không viêm: Mụn đầu đen, mụn cám, mụn ẩn.
-
Mụn viêm: Mụn đầu trắng có nhân, mụn nang, mụn bọc.
2. Nhận biết các loại mụn thường gặp, nguyên nhân và hướng điều trị
2.1. Nhóm mụn không viêm
Mụn đầu đen
Mụn đầu đen thực chất là loại mụn trứng cá không viêm, nhân mụn hình thành từ việc tích tụ bã nhờn, bụi bẩn không được làm sạch, còn sót lại và nhô trên bề mặt da (nhân mụn hở). Cũng chính vì vậy, nhân mụn tiếp xúc với không khí bị oxy hóa nên có màu đen như chúng ta thường thấy.

Đặc điểm nhận biết:
-
Xuất hiện những chấm đen nhỏ li ti trên bề mặt da, có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
-
Thường mắc phải ở nhiều vùng cơ thể như mũi, trán, má, lưng, vai.
-
Kích thước nhỏ, chỉ từ 1-2mm
Cách chăm sóc da khi bị mụn đầu đen:
-
Không nên cố nặn mụn đầu đen vì sẽ ảnh hưởng đến lỗ chân lông, gây mất thẩm mỹ nhưng vẫn có thể bị tái lại mụn đầu đen.
-
Chú trọng vào việc làm sạch lỗ chân lông ở bước rửa mặt, có thể sử dụng benzyol peroxide, tuy nhiên hoạt chất này dễ gây kích ứng nên cần lưu ý khi sử dụng. Đối với làn da nhạy cảm, làm sạch da với sữa rửa mặt có chứa axit salicylic – một loại BHA có tính làm sạch sâu nhẹ nhàng là một lựa chọn thay thế tuyệt vời, giúp loại bỏ sạch tạp chất bên trong thành lỗ chân lông, ngăn sự tích tụ hình thành nhân mụn.
-
Tẩy tế bào chết thường xuyên 2 lần/tuần.
Mụn cám
Thuộc loại mụn không viêm, mụn cám không gây sưng đỏ, đau đớn tuy nhiên lại gây mất thẩm mỹ vì chúng làm cho bề mặt da sần sùi. Mụn cám thực chất hình thành do lỗ chân lông bị bít tắc đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như vệ sinh da không đúng cách, tăng tiết bã nhờn hay do thay đổi nội tiết, tác động từ môi trường bên ngoài,…

Đặc điểm nhận biết:
-
Thường xuất hiện tại vùng trán, mũi, cằm, má, miệng
-
Kích thước nhỏ li ti, màu trắng hoặc vàng đục, nổi theo số lượng nhiều trên cùng vị trí
-
Không sưng, không đỏ, không đau
Cách chăm sóc da khi bị mụn cám:
-
Giống với mụn đầu đen, tuy không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe làn da nhưng không nên nặn mụn cám vì dễ dẫn đến việc chuyển trạng thái mụn sang viêm.
-
Không nên loại bỏ mụn cám bằng phương pháp lột mụn vì đây chỉ là phương pháp tạm thời, đồng thời còn khiến vùng da lột bị tổn thương, lỗ chân lông giãn to thậm chí là kích ứng da.
-
Vệ sinh da đúng cách với tần suất phù hợp do lạm dụng làm sạch da quá mức có thể mất đi lớp dầu tự nhiên của da khi đó sẽ kích thích da tăng sinh bã nhờn làm tái đi tái lại mụn cám.
Mụn ẩn
Mụn ẩn là loại mụn có nhân không nổi cộm trên da mà nằm ẩn sâu dưới bề mặt da. Loại mụn này có nguồn gốc nguyên nhân tương tự như mụn trứng cá nhưng không gây sưng viêm. Mụn ẩn hình thành từ việc bã nhờn dư thừa gặp vi khuẩn và bụi bẩn trong lỗ chân lông tích tụ.

Đặc điểm nhận biết:
-
Khó nhận thấy bằng mắt, sờ tay thấy sần sùi
-
Nhân mụn không nổi cộm trên bề mặt
-
Kích thước nhỏ li ti, nổi theo từng cụm
Cách chăm sóc da khi bị mụn ẩn:
-
Nên thực hiện những phương pháp làm sạch, chăm sóc da thường xuyên để cân bằng lượng dầu, bã nhờn tự nhiên trên da, ngăn chặn hình thành mụn ẩn.
-
Vì nhân nằm sâu dưới lỗ chân lông rất khó để loại bỏ bằng cách nặn mụn, ngoài ra cố nặn mụn còn gây tổn thương vùng da bị mụn dẫn đến vô tình làm tình trạng mụn trở nên nặng hơn, có thể trở thành mụn viêm.
-
Sử dụng các phương pháp làm nở lỗ chân lông để nhân mụn có thể trồi lên bề mặt, dễ dàng loại bỏ khỏi da như xông mặt, chườm ấm,…
2.2. Nhóm mụn viêm
Mụn đầu trắng có nhân
Mụn đầu trắng có nhân là loại mụn viêm có đầu trắng, hình thành từ dầu thừa, các mảng da chết và vi khuẩn bị kẹt lại sâu trong lỗ chân lông và dần hình thành viêm mụn.

Đặc điểm nhận biết:
-
Thường thấy ở vùng trán, má, cằm
-
Mụn sưng nhẹ, cứng và nổi sần trên bề mặt, có nhân nhỏ màu trắng.
-
Thường xuất hiện ở các vị trí như trán, cằm, má.
-
Kích thước từ 1-2mm.
Cách chăm sóc da khi bị mụn đầu trắng có nhân:
-
Có thể kết hợp công nghệ chiếu ánh sáng xanh tại spa hoặc các phòng khám để tiêu diệt khuẩn mụn, giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm.
Sản phẩm khuyên dùng:
Mụn bọc – mụn nang
Mụn bọc hay mụn nang là hai cấp độ mụn viêm nghiêm trong nhất so với các loại mụn khác, có thể phải nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ để xử lý mụn, tránh nhiễm trùng lây lan ra vùng xung quanh do nang lông bị vỡ và để lại biến chứng sau mụn. Loại mụn này xuất hiện chủ yếu do tế bào chết, vi khuẩn, bụi bẩn tạo nên hỗn hợp gồm dịch mủ và máu viêm ở tầng trung bì, gây vỡ nang lông. Thường gặp nhất khi cơ thể thay đổi nội tiết. Tuy nhiên, đối với mụn nang, cơ chế hình thành u nang là do hệ miễn dịch của cơ thể tạo một túi bọc khi phát hiện nhiễm trùng để tránh ổ viêm lây sang những vùng da xung quanh.

Đặc điểm nhận biết:
-
Vết mụn sưng đỏ, gây đau nhức
-
Khi sờ vào như có chất lỏng bên trong
-
Kích thước lớn từ trên 5mm
-
Mụn mọc riêng lẻ hoặc từng cụm
-
Thường xuất hiện ở xương cằm và hai bên má
Cách chăm sóc da khi bị mụn bọc, mụn nang:
-
Tuyệt đối không nên tự ý nặn mụn vì có thể gây lây lan sang các vùng khác bởi nhiễm trùng
-
Giữ vệ sinh sạch sẽ cho vùng mụn, tránh sờ tay lên mặt
-
Tìm đến người có chuyên môn để xử lý mụn, tránh biến chứng sau mụn như sẹo lõm, vết thâm
-
Nên dùng các sản phẩm skincare mỏng nhẹ, có tác dụng cấp ẩm mà không khiến da bị bít tắc trong suốt quá trình điều trị.
Kết luận
Hiểu rõ về mụn và các loại mụn giúp chúng ta xác định chính xác nguyên nhân, cơ chế hình thành riêng biệt của từng loại mụn, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp để đạt hiệu quả tối ưu, phòng tránh nhiều biến chứng sau mụn.